Nhiều hướng điểm mới trong Hướng dẫn và Quy trình lâm


Nhiều hướng điểm mới trong Hướng dẫn và Quy trình lâm sàng về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2

Ngày 20/09/2017, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y Tế tổ chức buổi lễ công bố 2 hướng dẫn chuyên môn mới được cập nhật về đái tháo đường típ 2: (1) Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 được ban hành kèm theo Quyết định số 3319/QĐ-BYT ngày 19 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế, (2) Quy trình lâm sàng chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 được ban hành kèm theo Quyết định số 3798/QĐ-BYT ngày 21 tháng 8 năm 2017.

Hội thảo công bố hướng dẫn chuyên môn cập nhật về đái tháo đường típ 2

Hai hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành đưa ra các chỉ dẫn để chẩn đoán và điều trị bệnh đái tháo đường típ 2 trong cả nước. Bên cạnh việc đưa ra các tiêu chuẩn chẩn đoán, đề ra mục tiêu điều trị đái tháo đường cần đạt được và lựa chọn thuốc, phương pháp điều trị theo bậc thang, hướng dẫn còn đưa ra các khái niệm bệnh, nội dung đánh giá toàn diện bệnh nhân đái tháo đường cần thực hiện trước khi điều trị cho người bệnh, cách phòng ngừa và kiểm soát các biến chứng của ĐTĐ.

Một số điểm mới được cập nhật trong hướng dẫn

Những nội dung được cập nhật chính trong  Hướng dẫn và Quy trình lâm sàng về chẩn đoán, điều trị  đái tháo đường típ 2 bao gồm phát hiện và chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ, thực hiện xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường ở người chưa có triệu chứng đái tháo đường, nội dung đánh giá toàn diện bệnh nhân đái tháo đường cần thực hiện trước khi điều trị cho người bệnh; mục tiêu điều trị cần đạt được; sơ đồ hóa quy trình chẩn đoán đái tháo đường và sơ đồ hóa quy trình lựa chọn thuốc và phương pháp điều trị.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại buổi hội thảo

“Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp đầy đủ thông tin tới những người hành nghề khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến, các cơ sở khám, chữa bệnh để có khả năng cung cấp dịch vụ chẩn đoán, điều trị, quản lý chuyên nghiệp cho những người bệnh đái tháo đường”. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đã nói. “Các phương pháp điều trị theo bậc thang với nhiều lựa chọn thuốc, nên cho phép sự linh hoạt trong áp dụng, để các bác sỹ lâm sàng có thể lập kế hoạch điều trị khả thi để cung cấp chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân đái tháo đường trong cơ sở của họ”.

Áp dụng hướng dẫn

Việc sử dụng và tuân thủ hướng dẫn lâm sàng giúp cải thiện việc ra chỉ định lâm sàng và dẫn đến kết cục lâm sàng được cải thiện đồng thời làm tăng tính nhất quán trong chăm sóc và giảm sự khác biệt về chăm sóc.

“Tôi muốn cán bộ y tế làm tốt nhất với tối đa khả năng của họ có để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng và người bệnh”, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê cho biết. “Tôi muốn cán bộ y tế hiểu rằng để việc chăm sóc, chẩn đoán, điều trị đái tháo đường đạt chất lượng, người bệnh đái tháo đường được quản lý hiệu quả, việc xây dựng và ban hành ra các hướng dẫn chuẩn mực, cập nhật trong chẩn đoán, điều trị bệnh là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là việc áp dụng và tuân thủ các hướng dẫn quốc gia, bên cạnh đó cần có giám sát, đánh giá chất lượng về hiệu quả điều trị trên người bệnh”.

Trang web mới về đái tháo đường – daithaoduong.kcb.vn được công bố

Đồng thời tại buổi công bố Hướng dẫn và Quy trình lâm sàng về đái tháo đường, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng công bố chính thức Trang thông tin điện tử về đái tháo đường.

Một số hình ảnh tại hội nghi

Với sự gia tăng nhanh chóng của bệnh đái tháo đường tại Việt Nam, nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế, tỷ lệ người dân chưa được phát hiện đái tháo đường lên tới 68,9%, tình trạng bệnh nhân khi được phát hiện đã có nhiều biến chứng. PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, đã nói: “Tôi cũng mong muốn mọi người dân, người bệnh có kiến thức đầy đủ về bệnh để họ có thể làm cách tốt nhất, thực hiện các lối sống lành mạnh để nâng cao sức khỏe, dự phòng, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường”.

Website về Kiến thức về bệnh Đái tháo đường

Sáng kiến xây dựng và triển khai chuyên trang chính thức của Bộ Y tế về bệnh đái tháo đường dành cho công chúng, người bệnh và cán bộ y tế đã được thực hiện. Trang web mới về đái tháo đường sẽ cung cấp các tính năng tương tác và tăng cường mức độ chia xẻ về kiến thức, xây dựng năng lực và kết nối mạng lưới giữa các cơ quan quản lý, các cơ sở y tế, các đối tác, các tổ chức, các nhà lâm sàng, chuyên gia về đái tháo đường, người bệnh và người dân nói chung để cùng nhau nâng cao hiểu biết, trình độ và tính trách nhiệm trong công tác phòng, kiểm soát bệnh tật. Trang web về đái tháo đường được xây dựng là một trong những giải pháp nâng cao nhận thức của cán bộ y tế, người bệnh và người dân nói chung một cách dài hạn, hiệu quả và bền vững về trong công tác phòng, chống bệnh.

Vai trò, sự hỗ trợ của Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam và các đối tác liên quan

Hướng dẫn và quy trình lâm sàng về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 được xây dựng với sự đóng góp về chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng và thời gian của Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam vàcác chuyên gia hàng đầu về nội tiết. “Tôi đánh giá cao và ghi nhận những đóng góp của Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam: các thầy, cô, các đồng nghiệp trong trong xây dựng hai tài liệu hướng dẫn chuyên môn quan trọng này, Hội đã thực hiện đúng chức năng của một hội chuyên môn nghề nghiệp, giúp Bộ Y tế trong xây dựng hướng dẫn chuyên ngành”. PGS. Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Để xây dựng hướng dẫn chuyên môn, còn có sự đóng góp của các đối tác tham gia. Hướng dẫn lâm sàng về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 được xây dựng với sự hỗ trợ của AstraZeneca, tập đoàn dược phẩm toàn cầu từ Anh – Thụy Điển. Đây là một trong những hoạt động của chuỗi Hành động sớm về đái tháo đường – chương trình đồng hành dài hạn do AstraZeneca phối hợp cùng Bộ Y Tế thực hiện, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.

Quy trình lâm sàng về chẩn đoán và điều trị đái tháo đường típ 2 và website về đái tháo đường được xây dựng với sự hỗ trợ của VPĐD Novo Nordisk Pharma Operations A/S – một công ty có trụ sở tại Đan Mạch với lịch sử chăm sóc sức khoẻ toàn cầu từ năm 1923, như một phần trong cam kết lâu dài của công ty trong việc cải thiện chăm sóc bệnh đái tháo đường tại Việt Nam.

Sự gia tăng bệnh đái tháo đường – nhu cầu chăm sóc, điều trị

Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến trên toàn cầu. Trên toàn thế giới có 415 triệu người lớn (độ tuổi 20-79) tương đương 1 trong 11 người lớn đang sống với bệnh đái tháo đường trong năm 2015. Dự đoán vào năm 2040, con số này sẽ tăng tới khoảng 642 triệu người, hay nói cách khác 1 người trong 10 người lớn sẽ có bệnh đái tháo đường[i].

Tuy nhiên, gần một nửa số người đang sống với bệnh đái tháo đường (độ tuổi 20-79) không được chẩn đoán (46,5%), tỷ lệ này ở khu vực Tây Thái Bình Dương là 52.1%[ii]. Nhiều người đang sống với bệnh ĐTĐ típ 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã kèm theo các biến chứng của bệnh. Đái tháo đường trở thành một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia, chủ yếu thông qua làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Ở nhiều quốc gia, đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và cắt cụt chi[iii]. Thật lạc quan, thực hiện lối sống hành mạnh có thể phòng ngừa được 70% đái tháo đường típ 2 và ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm nguy cơ của đái tháo đường[iv].

Tại Việt Nam, vào năm 2015 đã có 3,5 triệu người mắc bệnh theo báo cáo của Hiệp hội đái tháo đường thế giới IDF Diabetes Atlas, và con số này được dự báo sẽ tăng lên 6,1 triệu vào năm 2040. Theo kết quả điều tra năm 2015 của Bộ Y tế, 68,9% người tăng đường huyết chưa được phát hiện. Chỉ có 28,9% người bệnh ĐTĐ được quản lý tại cơ sở y tế[v]. Đây thực sự là khoảng trống lớn về sự chênh lệch giữa nhu cầu và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Để tăng cường chẩn đoán, điều trị, quản lý đái tháo đường, giảm khoảng trống điều trị bệnh, việc xây dựng tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị chuẩn mực cho người hành nghề khám, chữa bệnh là quan trọng. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị là một tài liệu được xây dựng có hệ thống, sắp xếp hợp lý, chuẩn hóa các quy trình cụ thể để hỗ trợ người hành nghề đưa ra chỉ định điều trị thích hợp cho các trường hợp lâm sàng cụ thể.

 

Để biết thêm thông tin, vui lòng truy cập:

Tài liệu chuyên môn: http://kcb.vn/
Website về đái tháo đường: http://daithaoduong.kcb.vn/

 

 

Liên hệ báo chí

Cục Quản lý Khám, chữa bệnh

Trương Lê Vân Ngọc

Chuyên viên

Tel: +84 (0) 912 612 787

ngoctruongmoh@gmail.com

 

 

 

 

 

Lê Thị Hảo

Cán bộ phụ trách báo chí

Tel: + 84 (0) 912460110

haohaole@gmail.com

 

[I] IDF Diabetes Atlas 7th edition www.idf.org/diabetesatlas www.idf.org/diabetesatlas

[II] IDF Diabetes Atlas 7th edition www.idf.org/diabetesatlas www.idf.org/diabetesatlas

[III] Diabetes Eye Health: A Guide for Health www.idf.org/eyehealth

[IV]  Mekary, R. A., Giovannucci, E., Willett, W. C., van Dam, R. M., & Hu, F. B. (2012). Eating patterns and type 2 diabetes risk in men: breakfast omission, eating frequency, and snacking. American Journal of Clinical Nutrition, 95(5), 1182–1189. doi:10.3945/ ajcn.111.028209

[V] Báo cáo kết quả điều tra STEP về các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, Bộ Y tế, 2015.

Lê Hảo.

 

Không có bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

liệt dương
Sức Khỏe
Tất tần tật những điều cần biết về chứng liệt dương ở nam giới

Liệt dương là một trong những nỗi ám ảnh của bất kỳ người đàn ông nào. Bởi nó gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh lý và chức năng sinh sản của phái mạnh. Vì thế, tìm hiểu các thông tin về liệt dương sẽ giúp bạn chủ …

Sức Khỏe
Aussamin 500mg

Aussamin 500mg

Sức Khỏe
Supodatin

Supodatin