Các bài thuốc chữa ỉa chảy trẻ em trong y học cổ truyền
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Sức Khỏe
Contents
Ỉa chảy trẻ em trong y học cổ truyền còn được gọi là chứng rối loạn tiêu hóa, thực tích, tích trệ.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh là do ăn uống, nhiễm trùng, hoặc do giun làm tổn thương chức năng hoạt động của tỳ vị gây các triệu chứng nôn, ỉa chảy… bệnh có thể cấp hoặc mạn tính.
Điều trị theo y học cổ truyền phù hợp với thể ỉa chảy cấp tính đơn thuần và ỉa chảy mạn tính.
1. Chứng tích trệ:
Do không tiêu hóa được đồ ăn hoặc do giun.
a. Tích trệ đồ ăn:
- Triệu chứng: đầy trướng, bú ít, nôn mửa dịch có mùi chua khai, ngủ kém, hay khóc, ỉa chảy mùi chua thối, chậm tiêu có khi đi ngoài ra thức ăn, chỉ tay chìm, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, mạch hoạt.
- Phương pháp chữa: tiêu thực đạo trệ.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: ý dĩ: 12g, sơn tra: 8g, mạch nha: 6g, thần khúc: 4g, kê nội kim: 4g, trần bì: 4g, hạt củ cải: 4g. Sắc uống 1 thang/ngày hoặc tán bột làm viên uống 12-16g/ngày.
Bài 2: Nếu tích trệ sữa thì dùng bài “Tiêu nhũ hoàn” gồm: hương phụ: 80g, mạch nha: 40g, thần khúc: 40g, sa nhân: 20g, chích thảo: 20g, trần bì: 8g. Tán bột uống 4-6g/ngày, chia ngày 2 lần.
Bài 3: bài “Bảo hòa hoàn” gồm: sơn tra: 6g, thần khúc: 6g, mạch nha: 6g, phục linh: 6g, liên kiều: 6g, bán hạ chế: 4g, hạt cải củ: 4g, trần bì: 2g. Nôn mửa gia thêm hoắc hương: 4g, trúc nhự: 2g. Ỉa chảy nhiều gia thêm trạch tả: 6g. Sốt gia thêm hoàng liên: 6g. Khát nước bỏ trần bì, bán hạ chế gia thêm thiên hoa phấn: 6g.
Bài 4: bài “Mộc hương hoàn” gồm: mộc hương: 12g, bạch truật: 12g, mạch nha: 12g, chỉ thực: 12g, thần khúc: 12g, hoàng liên: 12g, sơn tra: 12g, trần bì: 12g, liên kiều: 8g, sa nhân: 8g, la bạc tử: 8g. Tán bột làm viên uống 4-8 lần/ngày.
Bài 5: dùng bài “Sâm linh bạch truật tán” nếu sức khỏe yếu: đảng sâm: 20g, ý dĩ: 16g, liên nhục: 16g, biển đậu: 16g, bạch truật: 16g, phục linh: 16g, hoài sơn: 16g, cát cánh: 8g, sa nhân: 8g, trần bì: 8g, cam thảo: 6g. Tán bột làm viên uống 6-12g/ngày.
b. Do trùng tích:
- Triệu chứng: ngứa ngáy, da vàng khô, hay khóc, hay kinh giật, ăn uống thất thường, đau bụng, buồn nôn, trướng, đại tiện lỏng.
- Phương pháp chữa: kiện tỳ, trừ thấp, trừ trùng.
- Các bài thuốc:
Bài 1: bài “Phì nhi hoàn” gồm: hoàng liên: 20g, bạch truật: 20g, đảng sâm: 16g, sử quân tử: 16g, thần khúc: 16g, sơn tra: 12g, phục linh: 12g, mạch nha: 10g, lô hộ: 6g, chích thảo: 6g. Tán bột làm viên uống 8-12g/ngày.
2. Do thấp nhiệt:
Do nhiễm trùng trực tiếp đường tiêu hóa hoặc do dị ứng nhiễm trùng.
- Triệu chứng: ỉa chảy nhiều lần trong ngày, sôi bụng, bụng trướng, nôn mửa, có sốt, khát nước, tiểu ít, hậu môn đỏ rát, rêu lưỡi vàng hoặc trắng khô.
- Phương pháp chữa: thanh nhiệt trừ thấp.
- Các bài thuốc:
Bài 1: bài “Cát căn cầm liên thang” gồm: cát căn: 12g, hoàng cầm: 8g, hoàng liên: 8g, cam thảo: 4g. Thiên về thấp thì gia thêm thương truật: 4g, bán hạ chế: 4g. Đi tiểu ít gia thêm phục linh: 8g, sa tiền: 8g.
3. Chống ỉa chảy kéo dài:
- Triệu chứng: ỉa chảy kéo dài, sống phân, mặt vàng, yếu, mệt mỏi, ăn kém, tự hãn hoặc đạo hãn, rêu lưỡi trắng mỏng, ướt.
- Phương pháp chữa: ôn bổ tỳ vị.
- Các bài thuốc: dùng bài “Sâm linh bạch truật tán“.
Coppy ghi nguồn: http://drugsofcanada.com
Link bài viết: Các bài thuốc chữa ỉa chảy trẻ em trong y học cổ truyền
Không có bình luận