Các bài thuốc chữa nôn mửa khi có thai trong YHCT
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Sức Khỏe
Contents
Nôn mửa là hiện tượng nhiễm độc thai nghén thường gặp trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Nguyên nhân dẫn đến nôn mửa có thể do rối loạn nội tiết, thể dịch, giao cảm… Gặp trong ở những người chửa trứng, sinh đôi, hoặc do yếu tố thần kinh và tiêu hóa ở từng người.
Trên lâm sàng chia thành hai loại: nhẹ và nặng. Điều trị theo y học cổ truyền thường được áp dụng trong trường hợp nhẹ và thời kỳ đầu của nôn nặng: nôn mất nước, mạch nhanh. Không áp dụng trong các trường hợp nôn nặng ở thời kỳ nhiễm độc thần kinh, nhiễm độc toan do mất điện giải nặng.
1. Tỳ vị hư nhược:
- Triệu chứng: người rất yếu, ăn không ngon, mệt mỏi, có thai, nôn không ăn được, bụng đầy trướng, xoa nắn đỡ, đại tiện lỏng, lưỡi nhợt, miệng nhạt, rêu lưỡi trắng trơn. Nếu thiên về tỳ hư hàn: sắc mặt trắng xanh, người mệt, ngại nói, tay chân lạnh, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trì.
- Phương pháp chữa: kiện tỳ hòa vị.
- Các bài thuốc:
Bài 1: gồm: đảng sâm: 16g, bạch truật: 12g, ý dĩ: 12g, bán hạ chế: 8g, trần bì: 8g, trúc nhự: 6g, gừng tươi: 2g.
Bài 2: bài “Quất bì trúc nhự thang” gồm: đảng sâm: 16g, mạch môn: 8g, tỳ bà diệp: 8g, trần bì: 8g, bán hạ chế: 8g, bạch linh: 8g, đại táo: 8g, trúc nhự: 6g, gừng tươi: 2g.
Bài 3: thiên về hàn thì dùng bài can khương, đảng sâm, bán hạ chế gồm: ca khương: 1 phần, đảng sâm: 2 phần, bán hạ chế: 2 phần. Tán nhỏ uống 8-12g/lần, ngày uống 3 lần.
2. Can vị không điều hòa:
- Triệu chứng: có thai, nôn mửa ra nước trong, dạ dày đau nhức, đau tức lan ra mạn sườn, bụng trướng, sôi bụng ợ hơi, thở dài, hay cáu gắt, uất ức, đầu căng nặng, hoa mắt, sắc mặt xanh xám, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc hơi vàng, mạch huyền hoạt.
- Phương pháp chữa: điều khí thư uất.
- Các bài thuốc:
Bài 1: bài “Ức can hòa vị ẩm” gồm: trúc nhự: 8g, trần bì: 6g, bán hạ chế: 6g, tô diệp: 4g, hoàng liên: 4g. Sắc uống thay nước.
3. Các thể khác:
a. Vị nhiệt:
- Triệu chứng: nôn đắng, ợ chua, buồn phiền, ngủ không ngon, nước tiểu vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng khô, mạch sác.
- Phương pháp chữa: khổ hàn giáng nghịch.
- Các bài thuốc:
Bài 1: bài “Ức thành hoàn” gồm hoàng liên đem tán bột, uống 8-12g/ngày, chia 2 lần.
b. Đàm ẩm:
- Triệu chứng: nôn mửa ra nước dãi, chóng mặt, hồi hộp, ngực đầy tức, không muốn ăn, miệng nhớt nhát, rêu lưỡi trắng trơn. Có kèm nhiệt: nôn ra nước vàng, người nóng, tâm phiền, bụng đầy, không muốn ăn, thích đồ chua đồ mát, miệng khô, lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch hoạt sác. Nếu thiên hàn: sắc mặt trắng nhợt, nôn ra nước chua, sáng dậy nặng hơn, miệng nhạt, chất lưỡi nhợt, rêu lưỡi trắng nhợt, mạch trầm hoạt.
- Phương pháp chữa: trừ đàm giáng nghịch.
- Các bài thuốc:
Bài 1: chữa đàm ẩm chung dùng bài “Bán hạ phục linh thang” gồm: bán hạ chế: 8g, phục linh: 8g, gừng sống: 6g.
Bài 2: nếu kèm nhiệt dùng bài “Hoàng liên ôn đởm thang” gồm: hoàng liên: 8g, bán hạ chế: 8g, phục linh: 8g, trần bì: 6g, chỉ xác: 6g, trúc nhự: 6g, cam thảo: 4g.
Bài 3: thiên về hàn dùng bài “Lục quân tử thang gia giảm”.
c. Khí huyết không điều hòa:
- Triệu chứng: có thai 3 tháng, chóng mặt, mệt mỏi, nôn mửa không muốn ăn, gai rét, rêu lưỡi bình thường, mạch hoạt, 2 bộ xích hơi yếu.
- Phương pháp chữa: điều hòa khí huyết, âm dương.
- Các bài thuốc:
Bài 1: bài “Quế chi thang” gồm: bạch thược: 12g, quế chi: 8g, đại táo: 8g, cam thỏa: 6g, can khương: 6g.
Coppy ghi nguồn: http://drugsofcanada.com
Link bài viết: Các bài thuốc chữa nôn mửa khi có thai trong YHCT
Không có bình luận