CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH THƯỜNG TRỰC SẴN SÀNG CẤP C??
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Sức Khỏe
CÁC CƠ SỞ KHÁM CHỮA BỆNH THƯỜNG TRỰC SẴN SÀNG CẤP CỨU NGƯỜI BỆNH TRONG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đã ban hành Công văn hướng dẫn số 35/KCB-QLCL ngày 11/01/2017.
Nội dung Công văn số 35/KCB-QLCL ngày 11/01/2017 chỉ đạo tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017
>Công văn số 35/KCB-QLCL chỉ đạo tăng cường công tác khám chữa bệnh và báo cáo Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (pdf)
>> Công văn báo cáo Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (Word version)
>> Mẫu báo cáo Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017 (Word version)
>> Mẫu báo cáo Danh sách bệnh nhân chi tiết thay thế phần mềm báo cáo trực tuyến bị lỗi
Kính gửi:
. – Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế;
. – Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
. – Thủ trưởng Y tế các Bộ, ngành.
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về tăng cường công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, để bảo đảm tốt công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân trong dịp Tết, Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, ngành thực hiện tốt những công việc sau đây:
1) Có kế hoạch đảm bảo công tác điều trị, phục vụ người bệnh và an ninh trật tự trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Trực theo 4 cấp: trực lãnh đạo, xử lý thông tin Đường dây nóng; trực chuyên môn; trực hành chính – hậu cần và trực bảo vệ – tự vệ. Danh sách cán bộ trực phải được niêm yết tại các khoa, phòng. Xây dựng kế hoạch về phòng chống cháy nổ, thảm hoạ, tai nạn hàng loạt; phòng chống rét cho người bệnh; hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới, tham vấn về chuyên môn khi cần thiết.
2) Chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra: Có phương án thường trực, dự trữ cơ số thuốc, dịch truyền, vật tư, hoá chất, bố trí cơ số giường bệnh, phương tiện cấp cứu và cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cấp cứu điều trị, cách ly người bệnh theo đúng các hướng dẫn hiện hành về phòng chống dịch.
3) Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh: Dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh. Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác.
4) Tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, đặc biệt chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Đặc biệt chú ý nâng cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, giao tiếp, ứng xử ân cần, hoà nhã. Thực hiện đúng các quy định liên quan và các quy trình chuyên môn kỹ thuật.
5) Nghiêm túc thực hiện công tác thông tin báo cáo tình hình cấp cứu, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, ngộ độc trong dịp Tết theo hệ thống báo cáo trực tuyến của Cục Quản lý khám chữa bệnh:
a) Các bệnh viện có nhiệm vụ: Phân công cán bộ bệnh viện thường trực lãnh đạo, chuyên môn, báo cáo số liệu hàng ngày. Danh sách cán bộ thường trực báo cáo số liệu kèm theo số điện thoại di động, email đề nghị cập nhật trực tiếp trên phần mềm báo cáo trực tuyến.
– Báo cáo hàng ngày tình hình khám chữa bệnh cấp cứu, tai nạn, ngộ độc … về cơ quan quản lý cấp trên theo mẫu tại cổng báo cáo trực tuyến khám chữa bệnh. Chú ý các số liệu: Khám cấp cứu tai nạn do pháo nổ, thuốc nổ, ngộ độc thực phẩm; Tử vong do tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, đánh nhau phải báo cáo danh sách người bệnh chi tiết.
– Thời gian bệnh viện báo cáo về cơ quan quản lý hàng ngày trước 9 giờ sáng qua phần mềm trực tuyến (bắt đầu từ ngày 26/01/2017 đến hết ngày 01/02/2017 (từ ngày 29 tháng Chạp năm Bính Thân đến hết ngày Mùng 5 tháng Giêng năm Đinh Dậu. Sáng ngày 30 Tết bắt đầu báo cáo số liệu của ngày 29 Tết, sáng Mùng 6 Tết báo cáo số liệu ngày Mùng 5 Tết và rà soát, đối chiếu và bổ sung đầy đủ số liệu cả kỳ nghỉ Tết). Số liệu được tính theo ca trực từ 7 giờ sáng hôm trước đến 7 giờ sáng hôm sau. Các diễn biến đặc biệt khác yêu cầu báo cáo ngay thông qua đường dây nóng cho cơ quan quản lý.
– Báo cáo trực tuyến theo phần mềm Kiểm tra bệnh viện, tại địa chỉ: qlbv.vn/baocaotet, hoặc đường link từ trang chủ website của Cục Quản lý khám chữa bệnh kcb.vn. Liên hệ Phòng Kế hoạch tổng hợp hoặc Quản lý chất lượng của bệnh viện để lấy lại tài khoản. Đơn vị chưa có tài khoản đề nghị gửi đăng ký theo địa chỉ email hỗ trợ: qlbv.vn@gmail.com. Số điện thoại hỗ trợ kỹ thuật đăng tải trên phần mềm.
b) Sở Y tế các tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương, Cơ quan quản lý Y tế các Bộ, ngành có nhiệm vụ:
– Chỉ đạo, đôn đốc các bệnh viện trực thuộc báo cáo số liệu chính xác, đầy đủ, kịp thời về tình hình khám, cấp cứu, tai nạn ngộ độc, dịch bệnh tại các bệnh viện trên phần mềm báo cáo trực tuyến.
– Giám sát tình hình cấp cứu, tai nạn, ngộ độc, bệnh dịch và diễn biến đặc biệt khác của địa phương (nếu có).
– Các hoạt động của ngành y tế có liên quan đến bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Nguyên đán.
– Đăng nhập phần mềm báo cáo trực tuyến sử dụng Tài khoản Kiểm tra bệnh viện (liên hệ Phòng Nghiệp Vụ Y – Sở Y tế). Đơn vị chưa có tài khoản đề nghị gửi đăng ký theo địa chỉ email: qlbv.vn@gmail.com.
c) Thời gian Sở Y tế; Y tế các Bộ, ngành báo cáo trực tuyến về Bộ Y tế trước 12 giờ hàng ngày: từ ngày 26/01/2017 hết ngày 01/02/2017. Nếu có diễn biến đặc biệt sau thời điểm báo cáo hàng ngày yêu cầu Sở Y tế báo cáo khẩn riêng. Ngoài báo cáo hàng ngày qua trực tuyến và email, báo cáo 3 ngày Tết vào sáng mùng 2 và báo cáo Tổng kết kỳ nghỉ Tết vào sáng mùng 6 yêu cầu gửi theo đường công văn điện tử.
Báo cáo hàng ngày kèm Phụ lục Tổng hợp số liệu từ các bệnh viện đã được thiết kế sẵn trên phần mềm báo cáo trực tuyến về Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế qua địa chỉ email: qlbv.vn@gmail.com.
d) Danh sách cán bộ thường trực báo cáo hàng ngày (Sở Y tế, Họ và Tên, Số điện thoại di động, Email) đề nghị đăng trên trang web của Sở Y tế, và gửi về Cục Quản lý khám chữa bệnh trước theo địa chỉ email: qlbv.vn@gmail.com
6) Bộ Y tế sẽ tổ chức kiểm tra đột xuất việc chuẩn bị và thực hiện thường trực của một số bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ và bệnh viện ở các địa phương trước và trong dịp Tết.
Yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ các nội dung nêu trên, gửi về Bộ Y tế đúng thời gian để kịp thời tổng hợp tình hình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
CỤC TRƯỞNG
Lương Ngọc Khuê (đã ký)
Nơi nhận:
Như trên;
– Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến (để b/c);
– Các Thứ trưởng (để b/c);
– Văn phòng Bộ (để phối hợp);
– Văn phòng CP; UB ATGT QG; UB các vấn đề XH Quốc hội;
– Website kcb.vn;
– Lưu: VT, QLCL.
>> Công văn số 35/KCB-QLCL chỉ đạo tăng cường công tác khám chữa bệnh và báo cáo Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 (pdf)
>> Công văn báo cáo Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 – Ban hanh
>> Mẫu báo cáo Tết Nguyên Đán Đinh Dậu 2017 – Ban hành
Ghi chú:
Phần mềm báo cáo Tết trực tuyến đang cập nhật theo biểu mẫu báo cáo đã ban hành, sẽ hoàn thành trước kỳ báo cáo.
Hiện đã điều chỉnh một số mục về ngày báo cáo, các báo cáo số liệu. Các đơn vị có thể truy cập thử.
Thảo luận các vấn đề về báo cáo Tết tại đây
Không có bình luận