Cây Dây Mật – Derris Elliptica
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Sức Khỏe
Mô tả: Dây leo to có cành hơi đen, có u sần sùi. Lá có 9-13 lá chét gần bằng nhau, hình ngọn giáo ngược, gốc tròn, hơi có lông ở mặt trên, có lông mềm ở mặt dưới, rồi trở nên hầu như nhẵn ở cả hai mặt; cuống lá chung có lông và có rãnh. Hoa màu hồng nhạt hoặc trắng, xếp thành chùm ở nách. Quả thuôn hoặc hình ngọn giáo, có 2 cánh, cánh trên rộng và ngoằn ngoèo.
Bộ phận dùng: Rễ – Radix Derridis.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng Ấn Độ, Malaixia, mọc hoang trong rừng thứ sinh vùng đồi núi. Có thể thu hoạch rễ quanh năm. Lấy cả rễ con, rửa sạch, phơi hay sấy khô.
Thành phần hoá học: Rễ cây chứa rotenon (5,1% ở rễ khô), deguelin, tephrosin, dl-toxicarol; nhựa từ rễ chứa toxicarol. Rễ khô chứa 5,9% rotenon và 8,9% l-ellipton.
Tính vị, tác dụng: Vị đắng, hơi the, mùi thơm mát, tính ấm, có độc. Rễ có tác dụng độc với cá, diệt côn trùng, diệt ấu trùng (giòi); quả và vỏ độc với cá; lá độc với gia súc. Người ta biết là rotenon có tính sát trùng, diệt sâu bọ và các loài động vật có máu lạnh. Nó làm tê liệt trung tâm hô hấp của sâu bọ, làm cho chúng bị ngạt thở mà chết. Rotenon ít có tác dụng đối với động vật có máu nóng.
Công dụng, chỉ định và phối hợp: Dây Mật dùng làm thuốc duốc cá và diệt trừ các sâu bọ và cả ấu trùng sâu bọ ăn hại cây cối. Thường dùng tán bột trộn với đậu, lạc để dễ bảo quản trừ mối mọt, gián, nhện.
Ở Philippin, nhựa cây dùng trừ sâu bọ và dùng duốc cá. Rễ tán nhỏ, trộn với 40 phần bột talc thành một thứ thuốc trừ sâu rất tốt đối với chó mèo.
Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ làm thuốc duốc cá, diệt sâu bọ, quả và vỏ cũng làm thuốc duốc cá, còn lá được xem là độc đối với trâu bò.
Ở Thái Lan, rễ cũng được dùng như thế.
Đơn thuốc: Diệt sâu bọ trên cây: Giã nhỏ rễ, ngâm với nước (tỷ lệ 2-4g trong 100 lít nước) lọc lấy nước, thêm 100-200g xà phòng vào (để thuốc dính lâu trên cây) rồi phun, tỷ lệ có thể tăng tới 10-30%.
Không có bình luận