giang mai III và giang mai bẩm sinh
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Sức Khỏe
Giang mai thời kì III
Xuất hiện từ năm thứ ba trở đi, tùy theo vị trí khu trú tổn thương, của xoắn khuẩn mà có tổn thương các cơ quan khác nhau. Thời kì này ảnh hưởng nặng cho bệnh nhân và ít lây bệnh cho xã hội. Giang mai III có ba thể bệnh:
- Giang mai III lành tính: biểu hiện ở da, cơ xương.
Đào ban: giống tính chất của đào ban giang mai II nhưng số lượng ít hơn và nhanh mất hơn.
Củ, cục: thương tổn xuất phát từ trung bì, nổi cao trên da, mật độ chắc, khi khỏi để lại sẹo.
Gôm: thương tổn có thể ở da, hoặc cơ xương với tính chất nổi cao trên da hình bán cầu và tiến triển qua bốn giai đoạn: lúc đầu rắn chắc, sau mềm dần ở phía trên rồi loét chảy dịch, sau đó khô thành sẹo dúm, ở xương có thể gây gãy xương.
- Giang mai tim mạch: xuất hiện muộn từ 10 đến 20 năm sau khi bị bệnh, vi khuẩn gây tổn thương ở tim và quai động mạch chủ, bệnh nhân thường tử vong vì tai biến của các tổn thương trên.
- Giang mai thần kinh: tổn thương ở não và tủy sống do xoắn trùng giang mai gây nên gồm bệnh Tabes và liệt toàn thân tiến triển, cả hai thể bệnh trên bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của bệnh thần kinh.
Giang mai bẩm sinh
Khi người mẹ có thai bị giang mai, xoắn khuẩn từ máu của người mẹ sang thai nhi từ tháng thứ tư của thời kì mang thai. Tùy theo mức độ nhiễm vi khuẩn nặng hay nhẹ mà tình trạng thai nhi bị tổn thương ở các mức độ khác nhau: sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, đẻ ra chết ngay. Trường hợp đẻ ra trẻ còn sống có biểu hiện lâm sàng của bệnh giang mai với hai thể loại:
- giang mai bẩm sinh sớm:
Bệnh phát trong hai năm đầu, thường gặp là những ngày đầu sau đẻ, trẻ có các biểu hiện:
trẻ sút cân nhanh, da nhăn nheo, khám thấy có vàng mắt, vàng da
Gan to, lách to, có khi có tuần hoàn bàng hệ
Chảy nước mũi, có lẫn máu hoặc tắc mũi từ khi mới sinh
Nứt kẽ mép, môi hình chân chim có máu, dịch
Ban đỏ ở da
Sẩn trợt tiết dịch ổ da, niêm mạc
Phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân do phản ứng ở trẻ xảy ra mạnh và cấu trúc da của trẻ còn mỏng
Gỉa liệt Porrot: trẻ không cử động được do viêm màng xương và đầu xương sụn
- Giang mai bẩm sinh muộn: bệnh phát từ năm thứ 3 trở đi, cá thương tổn thuộc thời kì III của giang mai mắc phải (đào ban, củ, gôm…), kèm theo di chứng của giang mai bẩm sinh: trán dô, mũi tẹt hình yên ngựa, xương chày lưỡi mác, điếc, lác quy tụ…
Không có bình luận