Rốn hay còn gọi là rún, là một chỗ lõm tròn ở giữa bụng ghi dấu nơi bám của dây rốn khi còn là thai nhi. Bình thường rốn trông phằng hoặc lõm xuống vì thành bụng được đóng kín. Trẻ bị rốn lồi (RL) hay còn gọi là thoát vị rốn, là chứng sa ruột ở vùng rốn, khiến rốn phồng lên thành khối u mềm, xảy ra phổ biến ở trẻ em.
Rốn lồi tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé nhưng nó lại làm mất thẩm mỹ và khiến trẻ mất tự tin khi đến tuổi trưởng thành. Đây là một bệnh lý đơn giản ở trẻ nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm thoát vị nghẹt, cần được phụ huynh lưu tâm.
Thông thường bệnh này có thể tự khỏi khi bé hơn một tuổi, thành bụng khỏe hơn và đóng kín lỗ hổng thành bụng lại, thoát vị sẽ biến mất, chính vì thế trong trường hợp này cha mẹ không cần làm gì cả. Cũng có khi thoát vị chỉ mất đi sau 4-5 tuổi, bác sĩ có thể đẩy dễ dàng khối thoát vị vào ổ bụng, nhưng bạn không được tự ý làm việc này.
Làm thế nào để tránh trường hợp bé bị lồi rốn sau khi sinh?
Massage cho bé hằng ngày
Để giảm thiểu hiện tượng lồi rốn ở trẻ sau này, mẹ nên thường xuyên massage cho bé. Hằng ngày cha mẹ nên đặt trẻ nằm và masage cho trẻ nhẹ nhàng ở vùng thành bụng. Massage cũng là cách giúp bé thoải mái, gần gũi với mẹ hơn.
Dinh dưỡng cho bé
Các bà mẹ nên nhớ chế độ ăn uống cũng hết sức quan trọng và ảnh hưởng đến hình dạng rốn bé. Phụ nữ sau khi sinh nên ăn những loại thực phẩm tươi mát như canh khoai tây, canh đu đủ, rau lau luộc, rong biển, cháo hạt sen với chân giò… Các loại thực phẩm này không chỉ tốt cho sức khỏe của bà mẹ mà còn cung cấp cho trẻ nguồn sữa mát lại giàu dinh dưỡng. Khi trẻ bú sẽ ít bị táo bón vì dòng sữa mẹ mát, bên cạnh đó cho trẻ uống thêm nước sẽ giảm thiểu khả năng trẻ bị rốn lồi sau này.
Chăm sóc trẻ chu đáo
Ngoài ra để trẻ lớn lên không bị lồi rốn, cách tốt nhất các bậc cha mẹ nên cố gắng để bé sơ sinh không khóc nhiều, khóc to hay bị táo bón. Vì khi trẻ bị táo bón trẻ phải rặn, mất sức ảnh hưởng tới cơ bụng.
Với các trường hợp RL nhẹ, các bậc phụ huynh có thể dùng băng thun có bề rộng khoảng 3- 5cm và đồng xu hay miếng bìa cứng cắt tròn băng rốn theo hướng dẫn của BV. Nhi Đồng 1 như sau:
– Rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ. Dùng gạc gói kín đồng xu hoặc miếng bìa cứng cắt tròn.
– Ấn nhẹ cho RL xẹp xuống.
– Đặt đồng xu quấn gạc lên rốn trẻ sao cho phần có nhiều gạc sát bụng trẻ để tránh da trẻ bị đè cấn. Quấn băng thun quanh bụng vừa tay khoảng 3 – 5 vòng rồi cố định.
Thực hiện khi trẻ nằm yên, mỗi ngày sau khi tắm trẻ hoặc khi bị ướt để tránh hăm da. Không nên tháo thường xuyên vì sẽ làm giảm tác dụng của kỹ thuật. Thời gian băng rốn đến khi rốn hết lồi, trung bình từ 1 – 3 tháng.
Sau một thời gian rốn sẽ nhỏ lại. Trường hợp kiên trì dùng đồng tiền xu mà rốn của trẻ vẫn bị phồng ra nhiều, tốt nhất xác bậc cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được các bác sĩ tư vấn và có biện pháp khắc phục.
Vy Vy (TH)
Không có bình luận