Phòng chống kháng thuốc: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Sức Khỏe
Phòng chống kháng thuốc: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội
Ngày 21/9, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Kế hoạch Hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành trung ương, các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Hiện nay, vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở lên trầm trọng, đáng báo động, nhiều vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh. Một trong các nguyên nhân dẫn đến kháng kháng sinh là do việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích sản xuất đã làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc, làm cho thuốc kém hiệu quả hoặc không hiệu quả. Theo kết quả khảo sát về việc bán thuốc kháng sinh ở các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị các tỉnh phía Bắc cho thấy nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (thành thị) và 91% (nông thôn). Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hội nghị là hoạt động quan trọng đánh giá kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại và nguyên nhân để triển khai tích cực, mạnh mẽ hơn nữa công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau 4 năm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia và 2 năm triển khai Văn bản thỏa thuận cam kết đa ngành về phòng, chống kháng thuốc, Bộ Y tế cùng các Bộ liên quan đã đạt được các kết quả như: Tổ chức định kỳ tuần lễ truyền thông Phòng chống kháng thuốc tại Việt Nam vào tháng 11 hằng năm; Xây dựng hệ thống giám sát kháng thuốc tại các cơ sở khám, chữa bệnh; ban hành và khởi động đề án kiểm soát kê đơn và kháng thuốc theo đơn; Tăng cường sử dụng thuốc an toàn hợp lý hiệu quả; Hoàn thiện các quy chế chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; quy trình kỹ thuật trong khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng được Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sử dụng kháng sinh và phòng, chống kháng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Các bộ Công thương, Tài nguyên và Môi trường đã vào cuộc triển khai các hoạt động cụ thể trong phòng chống kháng thuốc.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh phát biểu tại hội nghị
Một số hình ảnh tại hội nghị
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để tiếp tục triển khai Kế hoạch phòng chống kháng thuốc và văn bản thỏa thuận là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết của tất cả các bộ, ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng trong ngành y tế. Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao về những nỗ lực và đóng góp của Việt Nam cho công cuộc phòng, chống kháng thuốc chung trên toàn thế giới. Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên thuộc khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các đối tác phát triển đang tổ chức rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh Kế hoạch hành động quốc gia phòng chống kháng thuốc từ nay đến năm 2020 (Kế hoạch năm 2013 mới chỉ có sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho phù hợp với tình hình thực tế và phù hợp với văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời cụ thể hóa vào chương trình kế hoạch hàng năm của từng bộ, ban ngành, các đơn vị từ trung ương đến địa phương. Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung làm rõ kết quả đạt được, những vấn đề tồn tại và nguyên nhân để tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng chống kháng thuốc ở Việt Nam. Đại diện Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước tổ chức giám sát, cảnh báo sớm dịch bệnh trên động vật để kịp thời khuyến nghị và hướng dẫn người nuôi phòng trị bệnh hiệu quả; vận động, hướng dẫn người nuôi không sử dụng chất cấm, kháng sinh nguyên liệu, sử dụng thuốc thú y theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều, đúng lúc, đúng cách). Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lưu thông, mua bán chất cấm, kháng sinh nguyên liệu và thuốc thú y không nằm trong danh mục được phép lưu hành. Các cơ quan quản lý tăng cường tổ chức tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của việc buôn bán, sử dụng thuốc thú y không đúng quy định, đặc biệt việc sử dụng trực tiếp nguyên liệu kháng sinh để phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm, thuỷ sản; hướng dẫn người nuôi tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng kháng sinh trước khi thu hoạch, đặc biệt không sử dụng nguyên liệu kháng sinh, thuốc dùng trong y tế để phòng, trị bệnh cho động vật, thủy sản nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh trong sản phẩm…/.
Lê Hảo.
Không có bình luận