Thực hư chuyện chữa khỏi bệnh ung thư bằng uống nước
- By : Dược sĩ Lưu Anh
- Category : Sức Khỏe
Theo nguồn tin từ báo nước ngoài được đăng tải trên rất nhiều trang như huldaclarkzappers, freehealthcures…, vào năm 1962, một thanh niên người Úc tên là Stan Sheldon mắc bệnh ung thư phổi trầm trọng.
Các bác sĩ đều bỏ cuộc, kết luận ông không thể sống được nữa. Tuy nhiên, được sự gợi ý của một thổ dân Australia về phương thuốc cổ truyền trong gia đình, ông đã tìm lá đu đủ sắc uống.
Ông uống trong vòng 2 tháng thì phổi trong trở lại, sức khỏe hoàn toàn bình phục.
Sau khi khỏe lại, ông đã sử dụng lá đu đủ để chữa cho 16 người mắc các bệnh ung thư khác nhau và sức khỏe của họ cũng hồi phục hoàn toàn.
Vào khoảng thời gian cách đây khoảng 2 năm, cư dân mạng cũng rầm rộ vì thông tin GS Nguyễn Xuân Hiền (nguyên Chủ nhiệm khoa Da liễu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) cho biết mình đang sở hữu công thức bài thuốc gia truyền “chữa ung thư bằng lá đu đủ”.
Theo GS Hiền, lá đu đủ cần được nghiên cứu thêm, cần các bằng chứng khoa học để làm rõ ràng và đây thực là một loại lá chữa bệnh rất tốt.
GS Nguyễn Xuân Hiền
Trong 2 năm nghiên cứu, thử nghiệm (2005-2007), GS Hiền đã hướng dẫn cho 12 bệnh nhân và thấy bệnh nhân sử dụng lá đu đủ có dấu hiệu u nhỏ đi, sức khỏe tốt hơn đối với những người chưa từng trải qua xạ trị, sử dụng hóa chất.
Tuy nhiên, trước những thông tin đang còn dang dở, nhiều người dân lại vô cùng sốt sắng muốn tự mình tìm hiểu cách chữa bệnh bằng lá đu đủ.
Thế rồi từ đó ra đời một loạt các công thức chữa bệnh từ lá đu đủ để chấm dứt ung thư, hoặc là đun nước lá đu đủ tươi, hoặc nấu lá đu đủ đã được phơi, sao khô, hoặc là cho thêm nhiều loại khác trong công thức lá đu đủ chữa ung thư…
Trong khi chưa rành các công thức, chưa đủ các bằng chứng khoa học để khẳng định, nhiều bệnh nhân ung thư đã tự ý tìm đến lá đu đủ như là một phương thuốc điều trị bệnh.
Và sau đó, hẳn ai cũng lo ngại cho cái giá của việc sử dụng những bài thuốc truyền miệng, thiếu cơ sở khoa học.
Thượng tá, thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Lê (chuyên điều trị viêm gan siêu vi và ung thư, Bệnh viện Quân y 103) kể, rất nhiều bệnh nhân ung thư tìm đến bác sĩ trong tình trạng bục dạ dày, xuất huyết, viêm loét dạ dày, thậm chí dạ dày đang có nguy cơ bị hủy hoại hoàn toàn.
Khi hỏi về tiền sử bệnh, cách tự ý chữa trị trước khi tìm đến bác sĩ, BS Nguyễn Lê mới tá hỏa khi biết rằng, bệnh nhân nghe có tin đồn chữa khỏi bệnh bằng lá đu đủ nên đã tự ý lấy lá về đun nước uống hàng ngày. Bệnh nhân hi vọng rằng cách làm này sẽ chữa khỏi ung thư, không cần xạ trị lại không hề tốn kém.
Tự ý sử dụng lá đu đủ chữa ung thư có thể dẫn đến nhiều hệ lụy
Hậu quả là bệnh càng thêm bệnh, sức khỏe giảm sút càng thêm giảm sút và án tử dành cho bệnh nhân ung thư ngày càng đến gần hơn.
Trước những thông tin nhiều bệnh nhân ung thư tự ý chữa bệnh bằng uống nước lá đu đủ mà không chịu tìm đến bác sĩ có chuyên môn khám, chữa bệnh, chỉ đến khi bệnh đã đến giai đoạn không thể chữa trị mới tìm đến bác sĩ đã khiến không ít người lo sợ.
Vậy thực hư của việc sử dụng lá đu đủ chữa bệnh ung thư là như thế nào?
Lá đu đủ chỉ có tác dụng hỗ trợ một phần nào cho người có khối u
Cựu đại tá quân đội, lương y Bùi Hồng Minh (Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) cho biết, quả thực nếu phân tích các thành phần của lá đu đủ sẽ thấy loại lá này có tác dụng chống lại sự phát triển của các khối u.
“Thành phần chính của lá đu đủ là chất papain, có khả năng phá hủy các protein, giúp cơ thể dễ dàng tiêu hóa nguồn chất đạm này trong dạ dày.
Chất papain còn có khả năng trung hòa độc tố, tăng cường hệ miễn dịch, chống lại sự phát triển của các khối u”, Lương y Bùi Hồng Minh nói.
Ông cũng cho biết thêm, nghiên cứu đu đủ xanh và các bộ phận khác của cây đu đủ như thân, lá, rễ đều chứa một chất nhựa latex.
Trong nhựa đu đủ có chứa papain, cao su, axit amin, lecsin, tyrosin, chất béo, axit malic, men thủy phân, chất mỡ.
Chất men papain có tác dụng làm tiêu hóa các chất thịt protit, giải phóng các axit amin như glucoza, alamin, tryptophan…
Về tác dụng dược lý, men papain có tác dụng như một men pepsin của dạ dày, giống một men trypsin của tụy (lá lách) trong việc tiêu hóa các chất thịt, làm cho một số vi trùng gram (+) và gram(-) ngừng phát triển, đó là các vi trùng staphy blococ và vi trùng thương hàn.
Loại men này còn làm đông sữa, giảm độc đối với vắc-xin và toxamomin. 18mg papain trong dung dịch 2% trung tính được 10mg lysin là chất độc. 22g papain trung tính 4 liều độc của vắc-xin uốn ván.
Nhựa từ lá đu đủ còn có tác dụng chữa giun đũa, giun kim, sán lợn nhưng không có tác dụng với giun móc. Khi sử dụng cho lợn ăn giúp tẩy giun nhưng lại khiến lợn khó tăng cân được.
“Các chất papain còn làm chậm nhịp tim nên có thể thay thế thuốc trợ tim digitalis”, vị lương y này cho hay.
Theo ông Minh, dân gian còn dùng lá đu đủ để gói xương sẽ làm món hầm nhanh nhừ hơn, nước sắc lá đu đủ có thể rửa sạch máu ở vải băng bó từ vết thương dễ dàng…
Tuy nhiên, việc sử dụng lá đu đủ để chữa bệnh ung thư, theo ông là chưa đủ cơ sở khoa học.
“Đúng là lá đu đủ có những đặc tính chữa khối u nhưng việc khẳng định sử dụng lá đu đủ chữa khỏi bệnh ung thư hoặc nên đưa ra khuyến cáo cho mọi người rằng lá đu đủ chữa bệnh ung thư thì không phải là thông tin chính xác.
Theo tôi, lá đu đủ có hỗ trợ một phần nào đó cho bệnh nhân bị ung thư chứ không chỉ dựa vào lá đu đủ là bạn có thể chiến thắng được căn bệnh hiểm nghèo này”, ông Minh nói.
Đồng quan điểm với lương y Bùi Hồng Minh, Thượng tá, ThS.BS Nguyễn Lê cũng cho biết thêm, nếu đúng là lá đu đủ có thể chữa dứt điểm ung thư thì nó đã được lựa chọn để làm thuốc chữa bệnh từ lâu lắm rồi.
“Đúng là lá đu đủ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh nhân ung thư.
Nhưng ở đây chúng ta cần lưu ý, lá đu đủ ở Việt Nam chưa có bằng chứng rõ ràng và giá trị chữa bệnh ung thư đến mức độ nào, chữa được cụ thể là loại ung thư nào…
Việc hiểu không đúng dẫn đến tự ý chữa bệnh gây nên những hậu quả đáng tiếc cho người bệnh ung thư”, BS Nguyễn Lê nói.
Vị thượng tá này cũng cho biết thêm, loại lá đu đủ có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư nhưng đó là giống đu đủ của Mỹ, có hoạt chất chống ung thư thì ức chế được tế bào ung thư rõ ràng.
Hơn nữa, dù là chiết xuất từ lá đu đủ Mỹ, những dạng viên này cũng chỉ là sản phẩm hỗ trợ chứ không thể coi đó là thuốc chữa bệnh được.
Do đó, cả hai chuyên gia cùng khuyên bệnh nhân ung thư nên đến khám và làm theo chỉ dẫn của bác sĩ có chuyên môn thay vì áp dụng những bài thuốc truyền miệng, không những không chữa được bệnh mà còn làm tình hình thêm trầm trọng hơn.
XB(Tổng hợp/theo soha)
Không có bình luận